Đón đầu cơ hội chuyển đổi xanh với Sáng kiến ESG năm 2024

Với kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng bền vững được dẫn dắt bởi khu vực kinh tế tư nhân, gia tăng lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp và góp phần thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và Quyết định số 167/QĐ-TTg 2022 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững, Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và USAID đã công bố Sáng kiến ESG Việt Nam.

Áp lực ngày càng lớn từ xu hướng chuyển đổi xanh

Trong nỗ lực nhằm giúp các doanh nghiệp nắm bắt được bức tranh toàn cảnh về yêu cầu chuyển đổi bền vững trong nước và quốc tế cùng những ảnh hưởng trực diện đến các doanh nghiệp Việt Nam, Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), thông qua dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (IPSC), đã tổ chức Tọa đàm “Xây lợi thế – Vững tương lai cùng Sáng kiến ESG Việt Nam 2024” ngày 21/3. Đồng thời, tọa đàm cung cấp các thông tin quan trọng về chương trình “Sáng kiến ESG Việt Nam 2024 – Đón đầu cơ hội chuyển đổi xanh” và những lợi ích dành cho doanh nghiệp.

Xây lợi thế và tương lai bền vững cho doanh nghiệp cùng Sáng kiến ESG Việt Nam 2024

Phát biểu tại cuộc Tọa đàm, bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, các doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc đáp ứng các yêu cầu khắt khe về phát triển xanh và bền vững từ các nhà đầu tư, đối tác, các thị trường quốc tế và người tiêu dùng. Xu hướng “chuyển đổi xanh” đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới. Một doanh nghiệp thành công không chỉ tạo ra nhiều lợi nhuận mà còn phải chú trọng tới các yếu tố E- Môi trường, S- Xã hội, và G- Quản trị doanh nghiệp.

Xây lợi thế và tương lai bền vững cho doanh nghiệp cùng Sáng kiến ESG Việt Nam 2024

Trước xu hướng này, doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu hay xuất khẩu, đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng – Áp dụng thực hành ESG để không bị tụt hậu hay bị loại khỏi “cuộc chơi”. Do đó, việc áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững, cũng như thực hành ESG sẽ giúp các doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu của thị trường, đối tác và nhà đầu tư, tiếp cận các nguồn vốn đầu tư xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu…

Nhấn mạnh tầm quan trọng của xu thế “xanh hóa” sản xuất, kinh doanh, Giám đốc Dự án USAID Mark Birnbaum cho biết, chuyển đổi xanh không còn là yêu cầu của tương lai mà là quá trình thực sự đang diễn ra. Gắn với hành trình chuyển đổi xanh, cộng đồng doanh nghiệp cũng phải đối mặt với thách thức ngày càng lớn bởi trong bối cảnh phát triển mới, định nghĩa về một doanh nghiệp thành công đang có nhiều thay đổi đáng kể theo hướng toàn diện hơn. “Thước đo truyền thống khi đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp thông qua lợi nhuận tài chính giờ đây là không đủ. Thay vào đó là hướng tiếp cận toàn diện hơn đang được áp dụng rộng rãi dựa theo các yếu tố môi trường, quản trị, xã hội bên cạnh các chỉ số thông thường”, ông Mark Birnbaum nói và nêu dẫn chứng từ thực tiễn cho thấy, những doanh nghiệp ưu tiên phát triển bền vững về môi trường, thực hiện trách nhiệm xã hội và tích cực áp dụng các biện pháp quản trị doanh nghiệp có nhiều cơ hội đạt được thành công bền vững hơn.

Xây lợi thế và tương lai bền vững cho doanh nghiệp cùng Sáng kiến ESG Việt Nam 2024

Ông Mark Birnbaum, Giám đốc Dự án USAID nhấn mạnh chuyển đổi xanh không còn là yêu cầu của tương lai mà là quá trình thực sự đang diễn ra

Thực hành ESG để tham gia sân chơi toàn cầu

Chia sẻ tại Tọa đàm về vai trò quan trọng của việc thực hiện ESG trong doanh nghiệp, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cho biết, thực hành ESG là bộ tiêu chuẩn hướng doanh nghiệp hoạt động, phát triển bền vững để gia tăng giá trị cho hoạt động sản xuất, kinh doanh theo các cam kết. Theo bà Thủy, trong bối cảnh thế giới đang thay đổi trật tự mới theo hướng gắn với chuyển đổi năng lực số và năng lực xanh, nhiều quốc gia là đối tác giao thương quan trọng với Việt Nam đã ban hành các quy định về phát triển bền vững/thực hành ESG.

Cụ thể như Liên minh châu Âu (EU) đã ban hành Đạo luật chống phá rừng của Châu Âu (EUDR) và Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM); Mỹ có Dự thảo Luật Cạnh tranh sạch; Nhật Bản, Hàn Quốc cũng sẽ có những cơ chế tương tự mà trước mắt là các sáng kiến xanh trong nước hoặc trong khối các nước. Điều này cho thấy một xu hướng ngày càng hình thành rõ ràng là các quốc gia phát triển đã và đang hướng tới định hình lại vị trí, trật tự năng lượng và trật tự xanh trên bản đồ thế giới thông qua việc đặt ra các luật chơi và quy định mới. Cùng với đó là áp lực liên quan đến chuyển đổi công nghệ, chuyển đổi số. “Trật tự thế giới mới gắn với năng lực số, năng lực xanh đang dần được thiết lập. Phát triển bền vững vừa là cơ hội vừa là áp lực, doanh nghiệp có sự chủ động sẽ nắm lợi thế, nếu chậm chân sẽ có những rủi ro”, bà Thủy nhấn mạnh.

Trong điều kiện này, để thích ứng với xu hướng toàn cầu và hội nhập thành công, ở trong nước, Chính phủ đã đưa ra các cam kết và hành động nhằm thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển bền vững và chuyển đổi nền kinh tế theo hướng “xanh hóa” với hàng loạt các chương trình chiến lược mục tiêu mang tầm quốc gia cùng các chính sách hướng tới chuyển đổi xanh. Trong đó, có một loạt các dự kiến chính sách quan trọng và có tác động đến diện rộng doanh nghiệp, như Dự thảo Nghị định quy định phí bảo vệ môi trường đối với khí thải; Dự thảo Quyết định về việc ban hành tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh…

Trong bối cảnh này, theo nhận định của bà Thủy, doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với 3 áp lực lớn là: Các rào cản kỹ thuật để gia nhập các thị trường lớn ngày càng gia tăng, Hàng hóa đắt đỏ hơn, giảm tính cạnh tranh và Áp lực từ các doanh nghiệp đầu chuỗi cũng lớn hơn. Tuy nhiên, bên cạnh đó, việc phải đối mặt và hóa giải các áp lực trên cũng vô hình chung tạo động lực mạnh mẽ để doanh nghiệp Việt Nam phải vươn lên thích nghi với xu hướng chuyển đổi xanh và từ đó tham gia ngày càng sâu rộng vào sân chơi toàn cầu. Theo đó, việc chuyển đổi xanh một khi thành công sẽ giúp các doanh nghiệp gia tăng lợi nhuận, tăng năng suất và hiệu suất công việc của người lao động, tăng tính tuân thủ pháp luật và ngược lại, giảm chi phí đầu tư sản xuất kinh doanh và chi phí gọi vốn.

Lý do là vì khi các đối tác xuất khẩu lớn của Việt Nam thường xuyên đưa ra các dự thảo và thi hành luật liên quan đến ESG và phát triển bền vững, thì bản thân các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ cần tuân thủ luật pháp trong nước mà cả luật pháp quốc gia đối tác. Điều này giúp tăng tính tuân thủ luật pháp của doanh nghiệp và nhờ đó, cải thiện uy tín, năng lực cạnh tranh, thúc đẩy thuận lợi hóa giao dịch thương mại và hoạt động xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp. Trong điều kiện các công cụ nợ có tích hợp yếu tố bền vững đang phát triển mạnh mẽ, thì các nhà đầu tư đã bắt đầu hành động tích cực để thúc đẩy sự bền vững trong những công ty được đầu tư, nhờ đó doanh nghiệp chuyển đổi xanh thành công sẽ gọi vốn hiệu quả với chi phí thấp hơn.

Mặt khác, việc áp dụng các giải pháp chuyển đổi xanh sẽ giúp doanh nghiệp tăng doanh thu dài hạn thông qua các sản phẩm mới tích hợp các tiêu chí bền vững, và cũng từ đó, giảm chi phí chính là kết quả của sự chuyển đổi sang một nền kinh tế carbon thấp. Đối với vấn đề quản trị nội bộ và phát triển nhân lực, việc đẩy mạnh chuyển đổi xanh sẽ góp phần giúp doanh nghiệp tạo ra môi trường làm việc có mục tiêu, cải thiện sự gắn kết của nhân viên, đồng thời đảm bảo nhân lực có đủ trình độ để thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của thị trường.

Đặc biệt, trong lĩnh vực xuất khẩu, theo phân tích của bà Thủy, riêng đối với doanh nghiệp xuất khẩu sang các nước EU, trong điều kiện khu vực này đẩy mạnh ban hành các cơ chế chính sách và rào cản liên quan đến chuyển đổi xanh, nếu trong vòng 2 năm tới doanh nghiệp không có những bước chuyển động, thì dù đang trong chuỗi cung ứng cũng sẽ bị loại. Đó là rủi ro về mặt thị trường liên quan đến tiêu chí môi trường (E). Về mặt xã hội (S), bà Thủy dẫn chứng, thời gian vừa qua, Đức đã ban hành luật liên quan đến chuỗi cung ứng của Đức, trong đó đặt ra nhiều tiêu chí về lao động, lao động nữ, môi trường làm việc… Như vậy, những doanh nghiệp nào đang hoặc muốn nằm trong chuỗi cung ứng, nếu không nhận diện được những quy định sẽ đối mặt với rủi ro, mất đi cơ hội.

Đối với vấn đề quản trị doanh nghiệp (G), có rất nhiều mức khác nhau về sự tiến triển, năng lực, mức độ. Ở những diễn biến về mặt chính sách đã hàm chứa các yếu tố mà nếu doanh nghiệp không tuân thủ sẽ có rất nhiều rủi ro. Nhìn ở quy mô rộng hơn, đó là vấn đề biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, đòi hỏi sự chung tay của nhiều quốc gia; khủng hoảng năng lượng đi kèm với các bài toán xung đột địa chính trị, địa kinh tế…, với trách nhiệm và vai trò hạt nhân trong phát triển kinh tế – xã hội, doanh nghiệp càng không thể đứng ngoài cuộc. “Với mỗi loại hình doanh nghiệp, sẽ có những lát cắt, lựa chọn, thách thức, áp lực khác nhau, không phải toàn bộ các tiêu chí đưa ra đều là lời giải chung cho tất cả doanh nghiệp”, bà Thủy nhận định.

Xây lợi thế và tương lai bền vững cho doanh nghiệp cùng Sáng kiến ESG Việt Nam 2024

Lộ trình lựa chọn và hỗ trợ doanh nghiệp tham gia Chương trình “Sáng kiến ESG Việt Nam 2024″

Khi tham gia chương trình, các doanh nghiệp có cơ hội nhận được các lợi ích thiết thực như: Cơ hội nhận hỗ trợ kỹ thuật với tổng giá trị lên tới 2 tỷ đồng; được đào tạo, tư vấn hoàn thiện mô hình kinh doanh lồng ghép ESG nhằm đón đầu các cơ hội chuyển đổi xanh; được hỗ trợ mở rộng mạng lưới kinh doanh bền vững và đồng thời được đánh giá, ghi nhận về cam kết và nỗ lực thực hành kinh doanh bền vững, qua đó nâng cao uy tín và thu hút sự quan tâm từ khách hàng, đối tác và các bên liên quan. Các hạng mục hỗ trợ doanh nghiệp nhận được từ Chương trình bao gồm: (1) Thuê chuyên gia tư vấn chiến lược và kế hoạch hành động về kinh doanh bền vững; (2) Tổ chức các sự kiện, tập huấn cho đối tác trong chuỗi cung ứng về kinh doanh bền vững; (3) Xây dựng Báo cáo phát triển bền vững (Báo cáo ESG) năm đầu tiên; (4) Đào tạo, nâng cao năng lực về ESG, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn; (5) Tiến hành kiểm kê khí nhà kính và xây dựng kế hoạch giảm phát thải.

Không có mô tả ảnh.